» Tin trong tỉnh

Chiến thắng Rạch Ruộng - mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Đồng Tháp



 

Cách đây 50 năm, Tiểu đoàn 502 bộ đội địa phương tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) với sự mưu trí, dũng cảm đã có trận đánh tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng (4/12/1967), lập chiến công vang dội. Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ lớn nhất, với hiệu suất cao nhất của Tiểu đoàn 502.

Cách đây 50 năm, Tiểu đoàn 502 bộ đội địa phương tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) với sự mưu trí, dũng cảm đã có trận đánh tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng (4/12/1967), lập chiến công vang dội. Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ lớn nhất, với hiệu suất cao nhất của Tiểu đoàn 502. Trận đánh này được Khu ủy, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi điện khen ngợi: “... Đây là một chiến công xuất sắc, chiếm kỷ lục cao nhứt về thành tích đánh phá cơ giới, phương tiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong thời gian ngắn nhứt ở chiến trường đồng bằng”.


Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 bàn phương án tác chiến. Ảnh: Tư liệu

Đồng Tháp Mười từng là căn cứ địa, chiến khu bưng biền huyền thoại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây tiếp tục là địa bàn “lý tưởng” để các cơ quan và các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân, hoạt động. Trong đó, ngã ba (chợ) Rạch Ruộng xã Thanh Hưng, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và Ngã Sáu xã Thanh Mỹ, tỉnh Kiến Phong là vùng giải phóng, hình thành thế liên hoàn với các khu vực của căn cứ địa Đồng Tháp Mười lên tận biên giới Campuchia. Do đó, địch muốn tái chiếm một số vị trí quan trọng trong vùng giải phóng nhưng chưa thực hiện được, chúng thường xuyên mở cuộc hành quân, càn quét, ném bom, bắn pháo.

Khi tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” tại Việt Nam, sau hàng loạt thất bại trên chiến trường, để thực hiện các cuộc phản công giành thắng lợi, đầu năm 1967, Mỹ tổ chức lực lượng đặc nhiệm thủy bộ tại căn cứ Đồng Tâm (Bình Đức - Mỹ Tho). Trước đó, Mỹ đã tính toán, nghiên cứu mọi hoạt động của lực lượng cách mạng và đặc trưng sinh thái, thổ nhưỡng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm ra một chiến thuật tối ưu nhất. Giải pháp của Mỹ là lợi dụng ngay đặc điểm tự nhiên của vùng bằng cách tạo ra một lực lượng hỗn hợp Hải lục đường sông đóng trên một căn cứ nổi, rồi từ đó theo các nhánh sông, rạch cơ động nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Theo họ, nhờ có lực lượng hùng hậu và phương tiện chiến tranh dồi dào, “Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ” có thể tham dự hành quân tại bất cứ khu vực nào thuộc Vùng 4 chiến thuật, nhằm bao vây tiêu diệt các đơn vị bộ đội chủ lực Khu 8 và bộ đội địa phương, lấn chiếm vùng giải phóng, bình định các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đội hình Sư đoàn 9 của Mỹ, Lữ đoàn 2 là lực lượng nòng cốt của cái gọi là “Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ” hay còn gọi là “Lực lượng cơ động đường sông”. Đây là một mô hình tổ chức quân sự với chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” là một hình thức chiến thuật mới trong Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam. Với chiến thuật này, khi hành quân “Lực lượng cơ động đường sông” tác chiến dùng tàu xung kích (còn gọi là xuồng thiết giáp đổ bộ) để cơ động lực lượng, đi trước các xuồng thiết giáp đổ bộ là tàu quét mìn mở đường. Khi đến mục tiêu, binh lính nhanh chóng đổ bộ lên bờ dưới sự yểm trợ của hỏa lực mạnh. Với binh, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, bước đầu khi triển khai sử dụng lực lượng với chiến thuật này, địch đã gây cho ta những khó khăn nhất định.


Tàu Mỹ đang hành quân. 
Ảnh: TƯ LIỆU

Sông Rạch Ruộng là vùng giáp ranh của hai tỉnh Kiến Phong và Mỹ Tho. Đoạn sông Rạch Ruộng, nơi nổ ra trận đánh tàu thuộc địa bàn xã Thanh Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Xuôi sông Rạch Ruộng về phía Nam khoảng vài km là vàm sông (cửa chảy ra sông Tiền). Ngọn sông Rạch Ruộng được nối với kinh Nguyễn Văn Tiếp B tại điểm giáp ranh với xã Thanh Mỹ, huyện Mỹ An, tỉnh Kiến Phong (nay là xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), là một trong những đường giao thông trọng yếu của ta trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười.

Ngày 4/12/1967, lực lượng địch gồm gần 100 tàu chiến, kết hợp bộ binh và trực thăng đổ quân tiếp viện từ sông Tiền nối tiếp nhau tấn công vào sông Rạch Ruộng với quy mô lớn, lực lượng hùng hậu, tần suất dày và mức độ vô cùng ác liệt nhằm tiêu diệt, “quét” các đơn vị bộ đội ta ở khu vực này; đồng thời tiến sâu, trụ lại để xây dựng căn cứ tại Ngã Sáu xã Thanh Mỹ, nhằm tăng cường bình định, đánh phá vùng Đồng Tháp Mười.

Được tin Mỹ-ngụy sẽ tổ chức cuộc hành quân càn quét quy mô lớn vào vùng giáp ranh hai tỉnh Kiến Phong và Mỹ Tho, Tiểu đoàn 502 và các cơ quan thuộc Tỉnh đội đóng ở đây chủ động triển khai đội hình chiến đấu trên trận địa dài gần 2km. Chờ đoàn tàu địch lọt vào trận địa, Tiểu đoàn 502 bất ngờ nổ súng chặn đầu. Một số tàu địch trúng đạn bốc cháy. Nhiều chiếc khác gầm rú, điên cuồng, dùng hỏa lực bắn liên tiếp hai bên bờ sông. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Từ chỗ bất ngờ, bị động, ta đã kịp thời chuyển sang giành thế chủ động tấn công địch, nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Trong một ngày kiên cường chiến đấu, mặc dù có sự chênh lệch lớn về lực lượng và vũ khí, nhưng Tiểu đoàn 502 đã anh dũng, mưu trí, đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của địch, bẻ gãy cuộc càn của liên quân Mỹ-ngụy; bắn chìm, bắn cháy 40 tàu địch (có 4 tàu cỡ lớn, sở dĩ tàu địch bị thiệt hại nhiều trong một trận đánh, một mặt do ta bắn chìm, bắn cháy; mặt khác do địch hoảng loạn, va chạm, đâm vào nhau chìm), loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm binh lính. Riêng xạ thủ Nguyễn Minh Trí bắn 9 quả B41 làm chìm 7 tàu, đây là chiến công xuất sắc của Nguyễn Minh Trí nói riêng, Tiểu đoàn 502 nói chung. Gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đến hơi thở cuối cùng của Nguyễn Minh Trí được đồng đội và nhân dân khâm phục, noi theo; ngày 30/10/1977, liệt sĩ Nguyễn Minh Trí được truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bị thiệt hại nặng, địch cho trực thăng đổ quân tiếp viện và ném hàng chục tấn bom, bắn hơn 2.000 trái đạn pháo xuống trận địa. Tiểu đoàn 502 và các cơ quan thuộc Tỉnh đội kiên cường bám công sự chiến đấu trong ngày ròng rã, tối đến, được lệnh rút khỏi trận địa, riêng Tiểu đoàn 502 còn tập kích địch trước khi rút quân. Tuy hy sinh, tổn thất lớn: hơn 80 cán bộ, chiến sĩ (riêng Ban Tham mưu Tỉnh đội và bộ phận Văn nghệ, Báo chí của Ban Tuyên huấn tỉnh bị thiệt hại nặng), song thắng lợi giành được hết sức vẻ vang. Về phía địch, phải 2 ngày sau, Mỹ-ngụy mới trục vớt hết tàu bị chìm, bị cháy và tập hợp thi thể lính Mỹ thiệt mạng trong trận đánh.

Trận đánh tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng xét về quy mô, tính chất ác liệt và thành tích diệt địch thì đây là một trong những trận đánh lớn nhất giành thắng lợi vẻ vang, có sự kế thừa, phát huy ưu thế chính trị, tinh thần, truyền thống và sở trường chiến đấu trên chiến trường sông nước của Tiểu đoàn 502. Được trang bị súng chống tăng B40, B41, DKZ... nhưng số lượng súng, đạn hạn chế, Tiểu đoàn 502 đối đầu với giang thuyền chiến đấu của Mỹ gần 100 chiếc, hàng chục tiểu đoàn bộ binh, thủy quân lục chiến (gồm cả quân Mỹ và quân ngụy), có hỏa lực bom pháo đánh phá hết sức ác liệt. Nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, sự chỉ huy kiên quyết và tỉnh táo, Tiểu đoàn 502 có sự hỗ trợ của nhân dân địa phương đã đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn và đầy tham vọng của Mỹ.

Chiến thắng trên sông Rạch Ruộng của Tiểu đoàn 502 là một trong những chiến công oanh liệt nhất của quân và dân tỉnh Kiến Phong lúc bấy giờ, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo và đầy quyết tâm của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Kiến Phong. Từ tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ địa phương đã kịp thời lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân, kiên quyết chiến đấu, quyết tâm đánh bại các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Chiến thắng trên sông Rạch Ruộng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Phong. Đây là chiến thắng của tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong giai đoạn đối đầu với chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trận đánh tàu trên sông Rạch Ruộng tuy chỉ diễn ra trong một ngày, lực lượng ta ít hơn địch, vũ khí không nhiều, nhưng với tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ, Tiểu đoàn 502 đã kiên cường chiến đấu, dũng cảm, mưu trí chặn đứng cuộc hành quân qui mô lớn của địch, diệt nhiều sinh lực và tàu chiến.

Có thể nói, chiến thắng Rạch Ruộng (4/12/1967), là sự tiếp nối chiến công của trận Ba Rài (15/9/1967) của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long trong đánh Mỹ, là bài học quý trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện 3 mũi giáp công lên tầm cao mới. Chiến thắng này của Tiểu đoàn 502 được xem như một cú đánh “bồi” làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ-ngụy. Cùng với chiến thắng Ba Rài diễn ra trước đó không lâu, chiến thắng Rạch Ruộng thêm một lần giáng đòn phủ đầu vào lực lượng cơ động đường sông (MRF) - niềm kiêu hãnh của quân lực Hoa Kỳ trên chiến trường sông nước đồng bằng sông Cửu Long, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân dân ta. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng (4/12/1967) của Tiểu đoàn 502 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

UBND tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã tổ chức khởi công xây dựng Bia chiến thắng 37 tàu trên sông Rạch Ruộng – tọa lạc ấp 3, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bia chiến thắng 37 tàu trên sông Rạch Ruộng do tác giả Nguyễn Oanh thiết kế. Công trình gồm các hạng mục: Bệ tượng cao 8m bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá; biểu tượng, phù điêu, văn bia; hàng rào; cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng... trên diện tích khoảng 2.000m2 với kinh phí xây dựng gần 5 tỷ đồng. Công trình ghi dấu truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

D.C

Ngô Thủy (tổng hợp

Nguồn: nnhttp://www.baodongthap.vn/newsdetails/1D3FE18ED6C/Chien_thang_Rach_Ruong_moc_son_trong_cuoc_khang_chien_chong_My_cuu_nuoc_cua_quan_va_dan_Dong_Thap.aspx n

Tin cùng chủ đề:

 1 2 > 

Lịch làm việc