» Tin trong nước

Hội thảo tham vấn chuyên gia về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2015



Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các cán bộ Đoàn tâm huyết đã tham gia góp ý sâu về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2015.

Chiều ngày 22/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp với các tổ chức ActionAid (AAV), Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2015. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.

Đ/c Nguyễn Long Hải - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu tại hội thảo. ảnh Đông Hà

Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải cho biết, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã vừa phối hợp với hai tổ chức ActionAid và ChildFund Việt Nam tổ chức diễn đàn Quốc gia về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2015. Tại diễn đàn này, thanh niên đã có cơ hội trao đổi, thảo luận nói lên những tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất kiến nghị cụ thể góp ý cho dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung.

Theo đồng chí Nguyễn Long Hải, các ý kiến của thanh niên tham gia góp ý đã tập trung vào 6 lĩnh vực, gồm: học tập; giáo dục; lao động, việc làm; chăm sóc sức khỏe (sức khỏe sinh sản); văn hóa văn nghệ và vui chơi giải trí; tiếp cận thông tin; sự tham gia của thanh niên trong xây dựng và phản biện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp với thanh niên.

Tham gia ý kiến vào sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2015, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích, đánh giá, trao đổi, thảo luận, xem xét tính hợp lý, tính khả thi của những nội dung đề xuất, kiến nghị của thanh niên.

Trao đổi sâu về các lĩnh vực đang được thanh niên quan tâm, tại hội thảo, đại biểu Nguyễn Hồng Kiên - thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật Thanh niên cũ thực hiện chưa tốt là do chưa xác định rõ chủ thể của Luật Thanh niên. Bên cạnh đó, một số văn bản có liên quan còn trùng lặp, nhiều văn bản được ban hành có thêm những quy định đến thanh niên. Do vậy, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên cũng như việc quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật Thanh niên đã được sửa đổi, bổ sung thời gian tới.

“Cần quy định thêm trách nhiệm của thanh niên với gia đình, với quê hương, với Tổ quốc. Ngoài ra, cũng phải quy định thêm các hoạt động ngoại khóa của thanh niên”, đại biểu Kiên đề xuất ý kiến.

Đại biểu Lê Thanh Liêm - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
ảnh Đông Hà

Làm việc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, đại biểu Lê Thanh Liêm – Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ý kiến, để sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên nên có quy định việc thành lập Quỹ thanh niên. Với quy định này nhiều thanh niên sẽ được hỗ trợ không chỉ riêng trong học tập mà còn được hỗ trợ về việc làm và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung cũng phải có quy định về việc thanh niên được hưởng một số chính sách thụ hưởng văn hóa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, như: vào thư viện, xem phim … ngoài ra, thanh niên cần có một môi trường sinh hoạt văn hóa “sạch” theo đúng nghĩa.

Góp ý vào lĩnh vực học tập, Ths Đỗ Thị Thu Hằng - Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện TTN Việt Nam, cho rằng, học tập là nhiệm vụ thiết yếu của thanh niên để có thể trở thành người tài, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Do vậy, các bạn thanh niên cần xác định được ý nghĩa của việc học tập, đó là: Nỗ lực tiếp thu kiến thức và đổi mới phương pháp học tập, có ý chí vươn lên, tinh thần cầu tiến cao.

Ths Đỗ Thị Thu Hằng - Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện TTN Việt Nam

Ngoài ra, Ths Hằng cũng cho rằng, nhiều bạn trẻ chưa xác định được mục tiêu, ý nghĩa của việc học tập dẫn đến thái độ học tập không đúng đắn, ý thức kém. Để động viên, khuyến khích các bạn thanh niên trong học tập, Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung việc học tập là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của mỗi người theo hướng phát huy vai trò tích cực của thanh niên dưới góc độ công dân.

Trao đổi về lĩnh vực tiếp cận thông tin, đại biểu Lương Văn Tuấn – Trưởng khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam có trao đổi, thanh niên là một công dân, do đó Hiến pháp 2013 có quy định công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận… và thanh niên đang ở độ tuổi muốn được thể hiện ý kiến của mình, muốn được khẳng định mình, được tham gia bàn luận về chính trị, thời sự …. tuy nhiên, thanh niên có được tham gia ý kiến, tham gia phản biện, góp ý hay không? Thực tế Luật chúng ta chưa đề cập nhiều, trong khi đó Luật thanh niên có đề cập đến vấn đề này nhưng yêu cầu đặt ra là các Luật khác cũng cần phải có thêm quy định này.

“Thanh niên với vai trò là một công dân thì họ có quyền tham gia phản biện các chính sách khác, để thanh niên không bị tổ chức khác lôi kéo thì Luật Thanh niên cũng như các quy định khác phải đề cập đến nội dung này. Bên cạnh đó, thanh niên bị tác động bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau thì Luật Công nghệ Thông tin cũng quy định thông tin đưa ra phải chính xác, nếu thông tin không chính xác thì thanh niên sẽ là những người bị ảnh hưởng. Do đó, yêu cầu các cơ quan Nhà nước về lĩnh vực này cần bổ sung thêm các quy định sao cho phù hợp với nguyện vọng của thanh niên”, đại biểu Lương Văn Tuấn nói .

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải cho rằng, những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổng hợp, báo cáo với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung đảm bảo chất lượng trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Đông Hà

Tin cùng chủ đề:

 1 2 > 

Lịch làm việc